Việc xây nhà được coi là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, do đó gia chủ cần có sự chuẩn bị cẩn thận. Để đảm bảo quá trình xây dựng nhà diễn ra thuận lợi, phù hợp với phong thủy và tiết kiệm chi phí, chủ nhà nên tham khảo những lưu ý trong bài viết dưới đây.
1. Thảo luận với người thân trong gia đình
Để đảm bảo rằng mọi thành viên trong gia đình có thể sinh hoạt thoải mái trong ngôi nhà mới, trước khi xây dựng, gia chủ nên thảo luận với tất cả mọi người trong gia đình. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ mong muốn và nhu cầu của từng người, từ đó có thể thiết kế không gian chung và riêng một cách hợp lý.
2. Xem tuổi và chọn hướng nhà theo phong thủy
Do xây nhà là việc trọng đại, vì thế gia chủ cũng nên xem tuổi của mình trong năm đó có hợp để xây nhà hay không. Gia chủ nên tránh xây nhà trong các hạn Tam tai, Kim lâu và Hoang ốc.
Ngoài ra, chủ nhà cũng nên chọn hướng nhà hợp mệnh của mình. Theo phong thủy, khi chọn được hướng nhà hợp tuổi, gia chủ có thể thu hút nhiều vận may, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc.
Gia chủ nên xem tuổi và chọn hướng nhà theo phong thủy.
3. Dự trù kinh phí và chi phí phát sinh
Để tính toán chính xác kinh phí xây nhà, gia chủ cần phải nắm rõ đơn giá xây dựng nhà phố hiện nay, các mục chi tiêu cần thiết, gồm việc mua đất, giá vật liệu xây dựng, tiền công, trang trí nội thất,… Khi tiến hành xây nhà, gia chủ phải bám sát theo kế hoạch ban đầu để tránh phát sinh thêm nhiều chi phí khác.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc phát sinh thêm một số chi phí là khó tránh khỏi. Vì vậy, gia chủ nên dự trù thêm từ 15 – 30% kinh phí dự phòng.
4. Nắm rõ quy trình xây dựng nhà ở
Việc hiểu rõ quy trình xây dựng nhà dân dụng giúp chủ nhà tránh được những rắc rối về pháp luật, chi phí phát sinh, tiến độ thi công hoặc chất lượng về kết cấu nhà ở,…
Mặt khác, gia chủ cũng nên tìm hiểu quy trình cụ thể cho từng loại nhà ở vì mỗi loại sẽ có quy trình khác nhau. Chẳng hạn quy trình xây nhà 2 tầng sẽ rất khác với quy trình xây nhà 3 tầng. Quy trình xây nhà 3 tầng đòi hỏi một số kỹ thuật, vật liệu xây dựng, di chuyển phức tạp hơn so với nhà 2 tầng.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên tìm hiểu kỹ các quy định về xây dựng, quy định về quá trình thi công hay giấy phép xây dựng nhà ở… để tránh gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp luật.
5. Có bản vẽ thiết kế chi tiết cho ngôi nhà
Để có một bản vẽ thiết kế chi tiết cho căn nhà, gia chủ nên tìm đến các chuyên gia như kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất có kinh nghiệm.
- Kiến trúc sư: Họ sẽ đưa ra những giải pháp tốt nhất, giúp gia chủ tiết kiệm chi phí khi chọn vật liệu xây dựng, đồng thời tư vấn về cấu trúc căn nhà hợp phong thủy, tránh thiếu sót khi thi công.
- Nhà thiết kế nội thất: Họ sẽ đưa ra các phương án lựa chọn đồ nội thất phù hợp với mong muốn về không gian sống và khả năng tài chính của gia chủ.
Việc có bản vẽ thiết kế chi tiết cho ngôi nhà là rất quan trọng khi xây nhà.
6. Lựa chọn nhà thầu xây dựng uy tín
Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng tác động đến chất lượng và kiến trúc công trình nhà ở. Vì thế, chủ nhà nên tham khảo từ người thân, bạn bè,… có kinh nghiệm từng xây nhà để tìm được nhà thầu uy tín, có năng lực, giàu kinh nghiệm
Sau khi chọn được nhà thầu, gia chủ nên làm hợp đồng ghi rõ mọi điều khoản, thỏa thuận, nhằm đảm bảo quyền lợi khi có phát sinh mâu thuẫn. Một số điều khoản, thỏa thuận cần có bao gồm khoán từng phần hay khoán toàn bộ, tính toán riêng tiền vật liệu/nhân công,…
7. Tìm hiểu giá cả của vật liệu xây dựng
Để mua được vật liệu xây dựng chất lượng với giá hợp lý, gia chủ nên tham khảo mức giá ở nhiều đơn vị cung ứng khác nhau. Đồng thời, gia chủ cũng nên xem xét chọn mua vật liệu ở đại lý gần nhà để tiện vận chuyển.
Khi giá vật liệu xây dựng đang tăng cao, việc xây nhà có thể dẫn đến tăng chi phí xây dựng. Để đưa ra quyết định có nên xây nhà vào thời điểm đó hay không, chủ nhà nên theo dõi thị trường vật liệu xây dựng để biết giá cả hiện tại.
8. Chọn mùa phù hợp để xây nhà
Lựa chọn mùa xây nhà cũng ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian hoàn thành, chẳng hạn:
- Vào mùa khô: Việc đổ bê tông sẽ nhanh khô và tiến độ thi công diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, xét về mặt kết cấu thì bê tông sẽ dễ bị nứt bởi giãn nở nhiệt.
- Vào mùa mưa: Bê tông khi đổ sẽ ít bị giãn nở nhiệt cũng như dễ dàng xử lý chống thấm hơn. Tuy nhiên, thời gian thi công sẽ diễn ra lâu hơn do mưa.
Xây dựng vào mùa khô hay mùa mưa đều có những ưu nhược điểm riêng.
9. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ pháp lý
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh các rủi ro về pháp lý, chủ nhà nên chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Khu đất chuẩn bị xây dựng phải được công nhận về mặt pháp lý và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
- Giấy phép xây dựng được chính quyền địa phương cấp phép.
- Hồ sơ thiết kế, bản vẽ xin phép xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế công trình.
10. Hiểu rõ các thủ tục trong lễ động thổ
Trước khi bắt đầu xây dựng nhà ở, gia chủ nên chọn ngày giờ hoàng đạo hợp tuổi để làm lễ động thổ, xin phép thần linh xây nhà. Tùy vào tập tục ở mỗi địa phương mà chủ nhà lựa chọn đồ cúng phù hợp.
Sau khi làm lễ, gia chủ tự mình cuốc từ 5 – 7 nhát về hướng làm nhà để báo với Thổ thần xin được động thổ. Tiếp theo, nhân công sẽ tiến hành xây dựng nhà ở.
Trong trường hợp gia chủ mượn tuổi của người khác để làm nhà, người cho mượn tuổi sẽ thay gia chủ thực hiện tất cả các thủ tục trong lễ động thổ. Trong quá trình này, chủ nhà nên tránh mặt.
Chủ nhà cũng nên hiểu thêm về lễ động thổ khi xây nhà.
Tóm lại, gia chủ cần nắm rõ những lưu ý trên để việc xây nhà trở nên thuận lợi hơn, giúp tiết kiệm chi phí, tránh được nhiều rủi ro cũng như sở hữu một ngôi nhà hoàn hảo.